Khi đại dịch bùng phát, nhu cầu nhập quốc tịch thứ hai đã tăng mạnh mặc dù người nộp đơn phải tiêu tốn nhiều chi phí.

Nuri Katz, người sáng lập công ty tư vấn tài chính Apex Capital Partners, ước tính khoảng 25.000 người sẽ được nhập quốc tịch thông qua các chương trình đầu tư trong năm nay. Trong khi con số này chỉ khoảng 5.000 người trong năm 2017.

Theo CNN, nhu cầu nhập quốc tịch Montenegro và Đảo Síp đặc biệt tăng cao khi những người giàu nhất thế giới muốn nhập cảnh Châu Âu một cách nhanh chóng và dễ dàng. Chương trình yêu cầu người muốn nhập tịch phải đầu tư một khoản tiền lớn dưới hình thức bất động sản.

 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, số đơn đăng ký nhập tịch Đảo Síp tăng đột biến lên đến 75%, khiến quốc gia này trở thành một điểm đến mới hấp dẫn và là một trong những quốc gia cung cấp hộ chiếu thứ hai với chi phí đắt nhất thế giới - khoảng 2 triệu USD.

Nhưng chương trình sẽ ngừng hoạt động.

Vào thứ hai tuần trước Al Jazeera công bố đoạn phim tố cáo các quan chức cấp cao của Đảo Síp đang lạm dụng chương trình này.

Một nhà báo giấu tên đã ghi âm cuộc hội thoại giữa ông Demetris Syllouris, thành viên quốc hội và ông Christakis Giovanis, một nghị sĩ, về việc cho phép một doanh nhân Trung Quốc có tiền án được nhập quốc tịch Síp thông qua bên trung gian. Tuy nhiên bên trung gian vẫn chưa được công bố.

Ông Syllouris nói bên trung gian có thể nhận "sự hỗ trợ đầy đủ từ phía Đảo Síp" miễn là không "đề cập đến tên tuổi của tôi hoặc của bất kỳ ai khác", Al Jazeera đưa tin.

Đến thứ ba, khi các cuộc điều tra chính thức được tiến hành, ông Giovanis và Syllouris đều đã từ chức.

Sau cuộc họp khẩn vào thứ ba, chính phủ thông qua đề xuất ngừng chương trình nhập tịch theo hình thức đầu tư. Tổng thống Nicos Anastasiades cho rằng "những điểm yếu" dẫn đến "sự lạm dụng" chương trình là lý do chính đáng cho động thái này.

Chương trình dự kiến sẽ chính thức ngừng hoạt động vào ngày 1 tháng 11. Kể từ khi hoạt động từ năm 2007, chương trình này đã thu về cho đất nước khoảng 8 tỷ USD. Chính phủ bãi bỏ chương trình sau những quan ngại về tính nhạy cảm trong mục đích - cụ thể là khả năng sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền.

 

Arthur Sarkisian, giám đốc điều hành của công ty môi giới hộ chiếu Astons có trụ sở tại London, cho biết trong một bài báo của Business Insider rằng các khách hàng đang gấp rút hoàn thành đơn xin nhập quốc tịch Síp trước khi chương trình này ngừng hoạt động. "Sự kiện trên gây ra tình trạng hoảng loạn cho những người đang nộp đơn nhập quôc tịch Síp thông qua đầu tư do lo sợ không được cấp hộ chiếu, không phải do lỗi của mình mà do quy định của pháp luật” ông Sarkisian nói. "Thật không may, một số người vì lợi ích cá nhân đã làm trái pháp luật, ảnh hưởng đến danh tiếng của cả một quốc gia".

Theo Business Insider